Posted By sanfiname Posted On Comment (3)

Khảo sát tiền lương 2.000 doanh nghiệp, xem xét tăng lương tối thiểu vùng 2023


Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, từ ngày 1/4/2022 tới đây sẽ tiến hành điều tra về lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2022.

Điều này nhằm cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2023 và hoạch định chính sách về lao động, tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, việc khảo sát sẽ được tiến hành tại 2.000 doanh nghiệp ở 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển.

Cụ thể gồm: vùng Đồng bằng sông Hồng (TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Vĩnh Phúc); vùng Đông Bắc (Quảng Ninh); vùng Tây Bắc (Hòa Bình); Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An); Duyên hải Nam Trung Bộ (TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa); Tây Nguyên (Đắk Lắk); Đông Nam Bộ (TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu) và Đồng bằng sông Cửu Long (Long An, TP. Cần Thơ).

Trong đó, 3 địa phương có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là: TP. Hà Nội, TP. HCM và TP. Đà Nẵng với mức 150 doanh nghiệp/thành phố.

Các doanh nghiệp thuộc diện khảo sát phải được thành lập và có hoạt động sản xuất, kinh doanh trước ngày 1/1/2021 và đến thời điểm này vẫn đang hoạt động. 

Ngoài tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: chi phí, quỹ tiền lương, chi phí bảo hiểm xã hội, lợi nhuận trươc thuế và các khoản phải nộp, nội dung khảo sát còn bao gồm việc thực hiện một số nội dung của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động, thỏa ước lao động; tuyển dụng và đào tạo lại.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng khảo sát về tình hình lao động, tiền lương của doanh nghiệp bao gồm: số lượng và cơ cấu lao động, tiền lương tối thiểu, thang bảng lương, quy chế trả lương, các mức tiền lương trong doanh nghiệp, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác có tính chất lương, tình hình đóng – hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Ngoài ra, khảo sát phương thức thực hiện điều chỉnh tiền lương của doanh nghiệp khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2022 và ý kiến của doanh nghiệp về mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng dự kiến năm 2023.

Các doanh nghiệp được điều tra thuộc cả 4 nhóm loại hình doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; công ty cổ phần có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh.

Đồng thời, doanh nghiệp phải thuộc 3 nhóm sản xuất kinh doanh, nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp – thương mại – dịch vụ. 

Trước đó, do tác động của dịch Covid-19, Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, người lao động duy trì việc làm, tái tham gia thị trường lao động.

Theo quy định tại Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.

Mức lương tối thiểu này được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Hiện nay, theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng cụ thể là: vùng 1: 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2: 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3: 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4: 3,07 triệu đồng/tháng.

Facebook Comments Box

Comments (3)

  • Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *