
Lo 6,5 tỷ USD vì thuế tối thiểu toàn cầu, “đại bàng” Samsung đề xuất Chính phủ hỗ trợ bằng tiền
Phát biểu tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 18/4 tại Hà Nội, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam, khẳng định Chính phủ Việt Nam đã và đang tạo dựng được môi trường đầu tư có những điểm riêng biệt hơn so với các quốc gia khác nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp FDI.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cũng thông qua các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm cho các doanh nghiệp đang có mặt tại đây. Nhờ vậy, không chỉ có Samsung mà còn nhiều các doanh nghiệp khác đã đồng hành với Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua.
ĐỐI MẶT RỦI RO “ĐẠI BÀNG” CHUYỂN DỊCH ĐẦU TƯ
Một lần nữa khẳng định Việt Nam được coi là cứ điểm sản xuất quan trọng của Tập đoàn Samsung, lãnh đạo tập đoàn này cho biết theo chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam, kể từ năm 2008 đến nay, Samsung liên tục triển khai các hoạt động đầu tư với con số lũy kế lên tới 20 tỷ USD tỷ USD, quy mô xuất khẩu năm 2022 là 65 tỷ USD, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của Việt Nam.
Cùng với sự gia tăng đầu tư của Samsung, hệ thống các công ty trong chuỗi cung ứng của tập đoàn này và rất nhiều các tập đoàn lớn từ Hàn Quốc cũng đã đổ bộ mạnh mẽ vào Việt Nam.
Hiện tại, Samsung có 6 pháp nhân sản xuất, 1 trung tâm nghiên cứu phát triển, với tổng số vốn đầu tư là 20 tỷ USD, chiếm 50% tỷ trọng sản lượng điện thoại được sản xuất trên toàn thuế giới.
Tuy nhiên, “với bối cảnh hiện nay dự kiến từ 2024, Samsung và nhiều công ty lớn khác sẽ chính thức trở thành doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của trụ cột 2”, ông Choi Joo Ho nhìn nhận.

Theo phân tích của vị này, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu đang được triển khai áp dụng như hiện nay, chính sách miễn, giảm thuế của Việt Nam sẽ không còn phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp FDI mà còn ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường đầu tư tại Việt Nam.
“Do các công ty đang được hưởng ưu đãi thuế của chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam phải nộp bổ sung lên mức thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% tại quốc gia có công ty mẹ. Điều này làm tăng gánh nặng tài chính về thuế cho tập đoàn, làm ảnh hưởng đến việc hoạch định tài chính và chiến lược kinh doanh của các công ty, trực tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam vốn đang có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường”, ông Choi Joo Ho lo lắng.
“Vấn đề Chính phủ Việt Nam quan ngại không phải là rủi ro khiếu kiện bởi các nhà đầu tư áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung lên 15% mà là rủi ro về sự chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp do năng lực cạnh tranh tại Việt Nam bị giảm sút”, ông Choi Joo Ho lưu ý.
Do đó, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, nếu không ứng phó triệt để với chính sách thuế tối thiểu sẽ dẫn tới sự gia tăng khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp FDI, kéo theo là sự giảm sút trong năng lực cạnh tranh của chính những doanh nghiệp này.
Đặc biệt nhấn mạnh các chính sách Chính phủ ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có tính quyết định đến năng lực cạnh tranh của các công ty thuộc tập đoàn đa quốc gia lớn đang hoạt động tại Việt Nam.
Thậm chí, có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp đa quốc gia phải xem xét lại chiến lược vận hành cứ điểm sản xuất đầu tư của mình do năng lực cạnh tranh tại Việt Nam bị ảnh hưởng. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hút đầu tư mới và môi trường đầu tư của Việt Nam
ĐỀ XUẤT HỖ TRỢ BẰNG TIỀN VỚI DOANH NGHIỆP LỚN, CÔNG NGHỆ CAO
Do đó, theo lãnh đạo Tổ hợp Samsung tại Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Việt Nam cần đưa ra những quyết đoán trong quá trình ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu này. Theo đó, doanh nghiệp “đại bàng” này đưa ra một số kiến nghị về phương án hỗ trợ duy trì năng lực đầu tư của doanh nghiệp FDI và các chính sách ưu đãi có liên quan.
Thứ nhất, Việt Nam cần xây dựng các hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Phương án triển khai các hình thức hỗ trợ này sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để có các tiêu chuẩn áp dụng kèm theo.
Theo phân tích của ông Choi Joo Ho, lợi nhuận của các công ty đa quốc gia có được tại Việt Nam sẽ bị cơ quan thuế của một quốc gia khác mà không phải Việt Nam thu về, thông qua việc thực hiện quyền thu thuế đối với số lợi nhuận này.
Điều này khiến năng lực đầu tư của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam bị giảm sút. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng những chính sách ưu đãi đầu tư mới nhằm hỗ trợ khôi phục khả năng cạnh tranh bị giảm sút đó.
Nói cách khác, cần áp dụng chính sách hỗ trợ thay thế cho những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi quy tắc của trụ cột 2, qua đó duy trì năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, đồng thời giúp các doanh nghiệp này có thể tiếp tục hoạt động dự án của mình lâu dài hơn nữa.

“Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, Samsung sẽ phải nộp bổ sung số thuế khoảng 400 triệu USD/năm. Dự kiến số thuế phải nộp bổ sung cho toàn bộ thời gian của dự án 6,5 tỷ USD. Ngược lại, mỗi năm công ty đầu tư khoảng 200 triệu USD cho máy móc thiết bị và khoảng 200 triệu USD cho chi phí nghiên cứu và phát triển.
Nếu Việt Nam chi trả trợ cấp cho hỗ trợ cho chi phí đầu tư và nghiên cứu phát triển cũng sẽ làm giảm được gánh nặng với phần thuế nộp bổ sung”, ông Choi Joo Ho tính toán.
“Chúng tôi có những nghiên cứu về vấn đề này và thấy rằng, hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt trên cơ sở chi phí hoặc hình thức khấu trừ thuế hoàn lại đạt chuẩn (QRTC) là hình thức hỗ trợ hiệu quả và đem lại lợi ích thực sự cho nhà đầu tư”, ông Choi Joo Ho nhấn mạnh. Còn các hình thức khác không đem lại lợi ích thực sự vì có thể làm giảm thuế suất hiệu quả theo các quy tắc trụ cột 2 và dẫn đến việc doanh nghiệp phải nộp thuế bổ sung.
Cũng theo kiến nghị của “ông lớn” này, doanh nghiệp được hưởng trợ cấp nên tập trung vào các doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn và doanh nghiệp công nghệ cao được Chính phủ cấp ưu đãi trước đây, sau đó, có thể áp dụng thực tế phương án trợ cấp tiền mặt cho việc đầu tư máy móc, thiết bị chi phí nghiên cứu phát triển và trợ cấp năng suất.
“Việc quyết định phải hỗ trợ bao nhiêu cho đầu tư máy móc thiết bị và nghiên cứu phát triển cho mỗi doanh nghiệp cần phải tính toán dựa trên ngân sách và tình hình của doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ”, ông Choi Joo Ho nhấn mạnh.
Hiện cơ chế ưu đãi khoản hỗ trợ bằng tiền đang được áp dụng phổ biến tại các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ… Theo rà soát của Samsung về các hạng mục khoản hỗ trợ tiền mặt của các quốc gia khác nhau, có những hạng mục hỗ trợ bằng tiền mặt rất đa dạng như cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết bị sản xuất, xuất khẩu, sản phẩm sản xuất…
Thực tế, Việt Nam chưa có luật về hỗ trợ khoản trợ cấp tiền mặt cho tới nay nên có thể thấy gánh nặng khi xây dựng pháp luật mới. Tuy nhiên, đây không phải là mô hình được triển khai đầu tiên tại Việt Nam mà được nhiều quốc gia khác và đang thực thi. Do đó, Bộ Tài chính nên nghiên cứu và xem xét kinh nghiệm và hình mẫu của các quốc gia khác để có thể triển khai sớm tại Việt Nam.
Nếu chi trả khoản hỗ trợ bằng tiền, có thể Chính phủ sẽ lo ngại ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Do đó, thiết kế chính sách nên theo phương thức doanh nghiệp nộp thuế bổ sung trước, sau đó Chính phủ thực hiện chi trả khoản hỗ trợ bằng tiền mặt cho doanh nghiệp để không tạo ra gánh nặng lên ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt phải phù hợp với quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), luật quốc tế và không làm thâm hụt nguồn ngân sách nhà nước. Do đó, cần cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng về đối tượng, điều kiện và tiêu chuẩn chi hỗ trợ, đồng thời phải được quy định rõ ràng trong luật.
CHỦ ĐỘNG GIỮ QUYỀN ĐÁNH THUẾ BỔ SUNG
Để có được nguồn tài chính cho các hình thức hỗ trợ nêu trên, lãnh đạo Tổ hợp Samsung Việt Nam cũng đưa ra kiến nghị thứ hai, Việt Nam cần đảm bảo quyền đánh thuế bằng cách áp dụng cơ chế Qualified Domestic Minimum Top-Up Tax (QDMTT) hay tạm dịch là “Thuế nội địa bổ sung tối thiểu đạt yêu cầu”.
QDMTT có thể hiểu đơn giản là một cơ chế nội luật hoá trong đó việc tính toán lợi nhuận thặng dư (excess profits) và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với các quy định tại trụ cột 2 theo hướng dẫn của OECD. QDMTT giúp Việt Nam giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác.
Với mục đích thực hiện quyền đánh thuế, Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng QDMTT và cân nhắc nâng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp lên bằng mức tối thiểu hoặc áp dụng thuế tối thiểu nội địa chung không đạt chuẩn.
“Thông qua áp dụng QDMTT dựa trên quy định của OECD không những giúp Việt Nam duy trì quyền đánh thuế của mình, đồng thời có thể tạo ra nguồn thu từ thuế bổ sung để chuẩn bị ngân sách cho hỗ trợ doanh nghiệp FDI”, lãnh đạo Samsung đề xuất.
Hiện tại các quốc gia Đông Nam Á khác như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia… cũng đang chuẩn bị để áp dụng QDMTT, vì vậy chúng tôi cho rằng Việt Nam cũng nên áp dụng.
Nếu Việt Nam áp dụng QDMTT và các quy tắc đạt chuẩn thì Samsung sẽ đồng bộ quy trình tính toán và tuân thủ trên toàn cầu, vừa đảm bảo minh bạch và tiết kiệm được rất nhiều chi phí tuân thủ.
Thêm vào đó, số thuế QDMTT nộp tại Việt Nam được trừ toàn bộ khi tính số thuế nộp bổ sung toàn cầu mà không cần tính toán lại. Điều này giúp Samsung tránh được khả năng bị nộp thuế trùng và dẫn đến các khiếu kiện không cần thiết khi có sự khác biệt trong tính toán giữa các quốc gia, trong khi việc xử lý các vấn đề khác biệt giữa các quốc gia thường mất rất nhiều thời gian và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tuy nhiên, “nếu áp dụng phương án nâng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp lên 15% hoặc không đạt chuẩn sẽ gây ra phức tạp trong tính toán thuế bổ sung ở nước ngoài và phát sinh các bất đồng khi tính toán giữa các quốc gia, dẫn đến khả năng doanh nghiệp phải nộp nhiều hơn số thuế cần thiết phải nộp theo quy tắc trụ cột 2”, lãnh đạo Samsung lưu ý.
Cùng với đó, nhiều ý kiến lo ngại rằng các nhà đầu tư không còn mặn mà với Việt Nam do Việt Nam thu bổ sung thêm thuế nội địa, lúc này các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn sẽ quan tâm đến các lợi thế khác của mỗi quốc gia: Cơ sở hạ tầng, chi phí nhân công, hỗ trợ của Chính phủ, chính sách pháp luật bảo vệ, thủ tục hành chính đơn giản, các chính sách ưu đãi mới…
“Với xuất phát điểm từ thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ Việt Nam nên thay đổi chính sách hỗ trợ đầu tư để duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng thông qua chính sách hỗ trợ dựa trên chi phí trực tiếp bằng tiền; đồng thời, áp dụng cơ chế QDMTT theo khuyến nghị của OECD để giữ quyền đánh thuế đối với thu nhập có được tại Việt Nam”, ông Choi Joo Ho nhấn mạnh.