Posted By sanfiname Posted On

Vụ Đông Á Bank và bài học phát hành trái phiếu trái quy định


Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố đối với ông Trần Phương Bình (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á) và 7 bị can về các hành vi vi phạm hoạt động ngân hàng, trong đó có việc bảo lãnh thanh toán trái phiếu Công ty cổ phần M&C phát hành.

VI PHẠM PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU VÀ CHO VAY BẮT BUỘC

Theo kết luận, Công ty cổ phần M&C do Phùng Ngọc Khánh làm giám đốc, có phát hành 12.000 trái phiếu mã MC_BOND2009, trị giá 120 tỷ đồng. Mục đích phát hành nhằm đầu tư vào dự án Spring Walk An Phú và cao ốc số 353 Nguyễn Trọng Tuyển. Kỳ hạn trái phiếu là 3 năm. Tài sản bảo đảm là hơn 2,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C thuộc sở hữu công ty (tương đương hơn 26,1 tỷ đồng).

Ngày 30/12/2009, Ngân hàng An Bình đăng ký mua lô trái phiếu trên nên có văn bản đề nghị DAB phát hành thư bảo lãnh.

Bà Châu Thị An Bình – Phó giám đốc Phòng sản phẩm dịch vụ, Khối khách hàng doanh nghiệp đã lập tờ trình và được bà Nguyễn Thị Ngọc Vân – Phó Tổng giám đốc duyệt, ký trình, ông Trần Phương Bình phê duyệt.

Trước khi ký bảo lãnh, DAB đã có đề nghị phong tỏa lô cổ phiếu thế chấp tuy nhiên, Công ty Địa ốc Sài Gòn M&C không có xác nhận phong tỏa số cổ phiếu này.

Vào ngày 31/12/2009, ông Bình ký thư bảo lãnh thanh toán trái phiếu với điều kiện, DAB thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho Công ty M&C khi ngân hàng nhận được hồ sơ yêu cầu thực hiện bảo lãnh của Ngân hàng An Bình.

Cùng ngày, Ngân hàng An Bình ký hợp đồng mua trái phiếu và thanh toán 120 tỷ đồng cho Công ty M&C.

Trái ngược với mục đích phát hành trái phiếu, Công ty M&C đã sử dụng số tiền trên để trả nợ cho các đối tác và sử dụng cho các mục đích khác.

Đến ngày 20/2/2013, Ngân hàng An Bình có văn bản đề nghị DAB thanh toán, gốc lãi lô trái phiếu trên. Do Công ty M&C không có khả năng thanh toán, lo ngại sẽ ảnh hưởng đến uy tín ngân hàng nên ngày 28/2/2014, DAB cấp tín dụng cho Công ty M&C vay 120 tỷ đồng. Công ty M&C tiếp tục dùng số cổ phần Công ty Địa ốc Sài Gòn M&C làm tài sản đảm bảo với dư nợ vay tối đa 18,3 tỷ đồng, phần còn lại là vay tín chấp.

Ngay sau khi DAB giải ngân, Công ty M&C dùng 120 tỷ đồng vay để thanh toán lô trái phiếu trên cho Ngân hàng An Bình.

Tính đến 24/5/2022, khoản vay trên còn dư nợ gốc và lãi hơn 380 tỷ đồng.

Ngoài ra, vào tháng 4 -5/2013, DAB tiếp tục giải ngân cho Công ty M&C 26 tỷ đồng, Công ty Biển Bạc 25 tỷ đồng để thanh toán lãi trái phiếu. Tuy nhiên, hai khoản vay này đã tất toán xong nên không xem xét trách nhiệm các cá nhân liên quan.

Tổng cộng Công ty M&C đã thanh toán nợ trái phiếu hơn 187,6 tỷ đồng và 17,2 tỷ đồng phí phát hành thư bảo lãnh cho DAB.

Lời khai của Phùng Ngọc Khánh thể hiện, năm 2009, các công ty của Khánh gặp khó khăn tài chính, không có khả năng chi trả các hoạt động kinh doanh, DAB đã cho vay đủ hạn mức nên không thể vay thêm. Khánh phải tìm cách vay vốn tại Ngân hàng An Bình. Công ty M&C không có khả năng thanh toán gốc và lãi trái phiếu nên buộc phải sử dụng tiền vay của DAB để trả nợ.

Cơ quan điều tra xác định, Công ty M&C vi phạm điều kiện phát hành trái phiếu tại Khoản 1, Điều 4 và Điều 17 Nghị định 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Việc DAB bảo lãnh thanh toán trái phiếu vi phạm quy chế của ngân hàng. Khi cho vay bắt buộc, các cán bộ DAB tiếp tục vi phạm quy định khi cho vay không có bảo đảm, khách hàng không đủ điều kiện cấp tín dụng về mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp…

Đặc biệt, do Công ty M&C không đủ điều kiện phát hành trái phiếu và hơn 2,6 triệu cổ phần thế chấp không đủ căn cứ để định giá nên khoản vay này không có tài sản đảm bảo. Cơ quan điều tra xác định, ông Trần Phương Bình và các đồng phạm gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 462,3 tỷ đồng.

TÀI SẢN BẢO ĐẢM KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỊNH GIÁ

Qua xác minh tài sản đảm bảo tại Công ty Địa ốc Sài Gòn MC (nay là Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower) thấy rằng, giá trị tòa nhà Sài Gòn One 41 tầng đang xây dựng dở dang. Năm 2009, công ty này đã thế chấp toàn bộ quyền sở hữu và quyền khai thác tòa nhà để vay hơn 98,9 triệu USD.

Qua nhiều lần chuyển nhượng cổ phần, chuyển bán nợ, hiện nay tòa nhà này là tài sản bảo đảm cho khoản nợ gốc hơn 4.728 tỷ đồng tại SCB.

Tình hình tài chính của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower khá bết bát. Tại thời điểm 28/2/2013, công ty ghi nhận lỗ lũy kế 28,8 tỷ đồng. Đến năm 2021, con số thua lỗ lên đến hơn 338 tỷ đồng. Hiện nay công ty đang bị âm vốn chủ sở hữu.

Ngày 14/7/2020, Hội đồng định giá trong Tố tụng hình sự TPHCM có văn bản từ chối định giá hơn 2,6 triệu cổ phần Công ty Địa ốc Sài Gòn M&C.

Lý do là thời điểm thế chấp tức ngày 28/2/2013, cổ phiếu chưa niêm yết nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của các phương pháp định giá.

Tại thời điểm tháng 1/2019 và tháng 5/2020, Hội đồng định giá đối chiếu 4 phương pháp định giá là phương pháp tỷ số bình quân; phương pháp giá giao dịch; phương pháp chiếu khấu dòng tiền doanh nghiệp; phương pháp tài sản nhưng đều không đủ căn cứ để định giá.

Facebook Comments Box